Công ty TNHH Thắng Lợi: đường tới thành công với lộ trình chuyển đổi số đột phá
Công ty TNHH Thắng Lợi Vico (VICO) đặc thù là doanh nghiệp trong ngành Đúc thép hợp kim. Tuy nhiên với số lượng đơn hàng ngày càng tăng, số lượng đơn hàng ngẫu nhiên lớn khiến việc quản trị của doanh nghiệp gặp vấn đề. Chuyển đổi số đã giúp công ty khắc phụ khó khăn và tối ưu sản xuất.
I. Những áp lực và khó khăn khi chuyển đổi số tại Công ty TNHH Thắng Lợi
Chính phủ, các bộ ngành, địa phương ngày càng có nhiều chính sách, chương trình thúc đẩy, hỗ trợ quá trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp được nhanh hơn và hiệu quả hơn. Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là một trong những Chương trình đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể và đem lại các kết quả thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp.
Công ty TNHH Thắng Lợi (VICO) tại Nam Định đã được lựa chọn là doanh nghiệp nhận hỗ trợ đầu tiên. Vì là một điểm sáng trong ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam với các sản phẩm đúc thép hợp kim. Thành lập từ năm 1998, công ty đã ứng dụng nhiều thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến như dây chuyền làm khuôn tự động Disamatic, dây chuyền sản xuất theo công nghệ alphaset, dây chuyền công nghệ đúc chân không Lost-foam…với công suất 20.000 tấn sản phẩm/ năm và một phòng thí nghiệm hiện đại được đầu tư nhiều máy móc trang thiết thiết bị, phần mềm ứng dụng chuyên ngành. Mặc dù vậy, nhận thấy xu hướng tất yếu và cũng như trước áp lực phải đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động và sản phẩm nhằm đáp ứng các yêu cầu của các thị trường khó tính của Vico như Nhật Bản, Bắc Mỹ, Châu Úc và Châu Âu, Ban giám đốc công ty luôn tìm kiếm, hoàn thiện các giải pháp để trở thành một doanh nghiệp số.
Ông Phạm Danh Mạnh, Phó Giám đốc sản xuất Công ty TNHH Thắng Lợi, cho biết: "Nhận thấy tầm quan trọng của chuyển đổi số, Ban giám đốc công ty đã rất trăn trở, tham gia nhiều diễn đàn, tìm hiểu và làm việc với nhiều doanh nghiệp cung cấp giải pháp về chuyển đổi số để tìm hướng đi. Tuy nhiên, dù rất quyết tâm và đã chuẩn bị sẵn tinh thần có thể thất bại và phải làm lại dự án chuyển đổi số, nhưng công ty vẫn không biết bắt đầu từ đâu và lo sợ lãng phí nhiều công sức, thời gian, chi phí nếu không đi đúng hướng".
Đại diện bộ phận Sản xuất Công ty TNHH Thắng Lợi đã nêu ra một số khó khăn, vướng mắc trong quản trị dây chuyền sản xuất, chưa kiểm tra được các khâu bị lỗi trong dây chuyền, cán bộ kiểm tra chỉ có thể kiểm soát ở cuối ngày; về kho vận đang được hội đồng quản trị giao cho các quản đốc quản lý trực tiếp sản phẩm sản xuất. Tuy nhiên vấn đang chưa có vị trí nhất định để tập kết do khối lượng sản phẩm lớn.
Nhận diện vấn đề này, chuyên gia cho biết, việc chia cho quản đốc quản lý trực tiếp như vậy là chưa hợp lý và đã đưa ra phương hướng sản xuất và hướng dẫn lập kế hoạch, quản lý vật liệu và sản phẩm. Đại diện các phòng ban cần nắm được bức tranh quản lý của mình, còn phần mềm chỉ xử lý các mấu chốt vấn đề gặp phải trong doanh nghiệp.
ĐĂNG KÝ TƯ VẤN CHUYỂN ĐỔI SỐ |
Đặt bước chân đầu tiên vào chuyến hành trình Chuyển đổi số của bạn với HST Consulting! Đăng ký ngay để nhận sự tư vấn chuyên sâu, đội ngũ chuyên gia tận tâm của chúng tôi sẽ giúp bạn tối ưu hóa hiệu suất kinh doanh và khám phá những cơ hội đầy tiềm năng trong thế giới số. |
II. Hành trình xây dựng lộ trình chuyển đổi số thành công
Sau khi yêu cầu hỗ trợ gửi tới Chương trình để tìm kiếm sự đồng hành và được lựa chọn tham gia đợt hỗ trợ đầu tiên, các chuyên gia đến từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ đã tiến hành hợp tác trực tiếp với Công ty trong khoảng 3 tháng liên tục. Mặc dù thời điểm đó đang diễn ra sự phức tạp của dịch Covid-19, nhưng các cuộc làm việc giữa Công ty và đội tư vấn đã diễn ra trực tuyến, mặc dù còn khá nhiều khó khăn trong việc tiến hành quá trình khảo sát và tìm hiểu toàn diện về các phần khác nhau của Công ty.
Tuy vậy, bằng tinh thần quyết tâm, cuối cùng lộ trình chuyển đổi số của VICO đã được xây dựng và hoàn thành. Một bản đồ chi tiết được tạo ra, cung cấp cái nhìn tổng quan về những hướng cần tiếp cận để thực hiện tầm nhìn và chiến lược, đồng thời xác định các mục tiêu sản xuất kinh doanh của Công ty cho đến năm 2025. Điều đặc biệt quan trọng, lộ trình này đã giúp Công ty xây dựng kế hoạch và phân chia nguồn lực một cách cụ thể để từng bước thực hiện quá trình chuyển đổi.
III. Thành tựu đáng kinh ngạc khi số hóa tại doanh nghiệp Thắng Lợi
Một giá trị quan trọng mà công ty nhận được là sự tăng cường tự tin cùng với tầm nhìn rõ ràng. Sự tự tin xuất phát từ việc có một hướng dẫn triển khai cụ thể và một đối tác đồng hành đáng tin cậy. Ông Mạnh, người đứng đầu công ty, đã chia sẻ rằng "Tầm nhìn đóng vai trò quan trọng với Ban giám đốc, vì từ tầm nhìn, sự nhận thức sẽ dẫn đến những quyết định phù hợp và lộ trình hiệu quả". Công ty đã dồn lực đầu tư và đã bắt đầu vận hành dây chuyền sản xuất IoT đầu tiên, từng bước thực hiện số hóa và thông minh hóa các hoạt động, mục tiêu là tăng cường quản lý và chất lượng sản xuất kinh doanh.
Trong năm 2022, Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai sẽ tiếp tục đồng hành với VICO để thực hiện lộ trình chuyển đổi số của công ty. Câu chuyện này cũng là một ví dụ rõ ràng cho thấy, khi các cơ quan quản lý của nhà nước cùng với các doanh nghiệp tập trung vào cùng một mục tiêu, công cuộc chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt Nam chắc chắn sẽ đạt được nhiều thành công, đóng góp vào việc tăng cường khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt trong chuỗi cung ứng toàn cầu.