Trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam hiện nay: Cơ hội và thách thức
02/12/2024 10:14
Trong những năm gần đây, trí tuệ nhân tạo (AI) đã trở thành một trong những công nghệ tiên tiến nhất, tạo ra nhiều cơ hội phát triển cho các ngành công nghiệp tại Việt Nam. Theo báo cáo từ Bộ Khoa học và Công nghệ, đầu tư vào AI tại Việt Nam đã tăng trưởng ấn tượng với mức tăng trung bình 20% mỗi năm trong giai đoạn 2018-2023. Theo một nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), AI có thể đóng góp thêm 12% vào GDP của Việt Nam vào năm 2030 nếu được phát triển và ứng dụng đúng cách.MỤC LỤC
I. ỨNG DỤNG AI TRONG MỘT SỐ LĨNH VỰC
1. Y tế
Theo nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, AI có thể giúp tăng độ chính xác trong chẩn đoán ung thư lên tới 95%. Một số bệnh viện đã bắt đầu triển khai các hệ thống AI để hỗ trợ chẩn đoán ung thư như hệ thống phân tích hình ảnh y tế tự động để phát hiện và đánh giá các khối u, giúp các bác sĩ có thêm dữ liệu chính xác để đưa ra quyết định điều trị.Tại Việt Nam, VinBrain (VinGroup) là công ty công nghệ tiên phong phát triển các sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo cho Y tế. VinBrain đã xây dựng một hệ sinh thái sản phẩm AI đa dạng và tiên tiến, được nghiên cứu phát triển theo nhu cầu đặc thù của ngành y và giải quyết các bài toán khó đang tồn tại, trước tiên là hỗ trợ bác sĩ và sau cùng là mang lại sự cải thiện, chăm sóc sức khỏe cho mọi người. Các sản phẩm nổi bật của VinBrain có thể kể đến dòng giải pháp công nghệ Chẩn đoán và điều trị ung thư (ung thư gan và ung thư trực tràng) hay DrAid™ X-quang ngực - phần mềm AI giúp tầm soát tổn thương qua ảnh X-quang, đặc biệt tự động sàng lọc các bệnh lý có khả năng gây tử vong trong vòng 24 giờ như tràn khí màng phổi.
2. Giáo dục
Theo Sách Trắng Edtech Việt Nam 2024, khoảng 60% sản phẩm Edtech (việc áp dụng công nghệ trong giáo dục) ở Việt Nam áp dụng công nghệ AI, đặc biệt là các sản phẩm đào tạo ngoại ngữ. Ngoài ra, năm 2023 cũng được ví như năm của ChatGPT trong các sản phẩm EdTech nổi bật. Trong năm 2023, thống kê của Google Trends cho thấy ChatGPT và OpenAI là 2 từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất tại Việt Nam. Nhiều tổ chức giáo dục cũng sẵn sàng đầu tư tiền cho việc khám phá và trải nghiệm ChatGPT.
Nhiều sản phẩm EdTech tại Việt Nam đã tích hợp ChatGPT để nâng cao trải nghiệm người dùng nhờ vào các tính năng như trợ lý ảo và hỏi đáp. FQA.vn được xem là nền tảng đầu tiên ứng dụng ChatGPT, tiếp theo là các nền tảng giáo dục khác như Onluyen.vn, Prep.vn, và Kidsup, nhằm hỗ trợ học sinh và giáo viên trong việc học tập và giảng dạy hiệu quả hơn. Sự tích hợp này không chỉ giúp tăng cường tính tương tác mà còn hỗ trợ cá nhân hóa nội dung học tập, đáp ứng nhu cầu của từng người dùng một cách linh hoạt.
3. Nông nghiệp
Một ứng dụng tiêu biểu của AI trong nông nghiệp Việt Nam là phân tích dữ liệu đất, giúp nông dân đánh giá các thông số như độ pH, độ ẩm và hàm lượng dinh dưỡng. Công nghệ này đã được triển khai bởi các đơn vị tiên phong như FAMIS và DTS-MARD, mở ra cơ hội lớn cho nông nghiệp chính xác tại Việt Nam.
AI cũng được ứng dụng để dự báo thời tiết và quản lý môi trường nông nghiệp. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, AI đã giúp nông dân tăng năng suất lên tới 20% nhờ vào việc dự đoán thời tiết chính xác. Đồng thời, AI hỗ trợ dự đoán những biến đổi khí hậu bất thường, giúp giảm thiểu rủi ro do thiên tai và biến đổi khí hậu, đảm bảo hiệu quả sản xuất bền vững.
Một bước tiến đáng chú ý khác là sử dụng robot nông nghiệp. Các robot này, được trang bị cảm biến và tích hợp AI, có khả năng tự động hóa các nhiệm vụ như tưới nước, cắt tỉa, và thu hoạch cây trồng. Tại Việt Nam, các doanh nghiệp như VinEco đã triển khai công nghệ này, giúp tiết kiệm nhân lực và nâng cao năng suất, đồng thời đóng góp vào sự chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp.
4. Giao thông
AI đang được ứng dụng mạnh mẽ trong lĩnh vực giao thông tại Việt Nam, giúp cải thiện đáng kể các vấn đề đô thị. Tại TP.HCM, hệ thống giám sát giao thông thông minh sử dụng camera AI có khả năng nhận diện biển số xe, màu sắc, loại phương tiện, và phát hiện hành vi vi phạm. Điều này không chỉ hỗ trợ quản lý giao thông mà còn nâng cao ý thức chấp hành luật lệ của người dân
Một ứng dụng khác là giải pháp quản lý phương tiện công cộng của Phenikaa MaaS, tích hợp công nghệ AI để dự đoán chính xác thời gian xe buýt đến, quản lý hành trình và nâng cao hiệu quả vận hành xe điện VinBus tại Hà Nội và Bình Dương. Đồng thời, AI còn giúp phân tích lưu lượng giao thông, hỗ trợ điều chỉnh tín hiệu đèn theo thời gian thực, giảm ùn tắc và cải thiện chất lượng không khíAI đang được ứng dụng mạnh mẽ trong lĩnh vực giao thông tại Việt Nam, giúp cải thiện đáng kể các vấn đề đô thị. Tại TP.HCM, hệ thống giám sát giao thông thông minh sử dụng camera AI có khả năng nhận diện biển số xe, màu sắc, loại phương tiện, và phát hiện hành vi vi phạm. Điều này không chỉ hỗ trợ quản lý giao thông mà còn nâng cao ý thức chấp hành luật lệ của người dân
Việc ứng dụng AI trong giao thông không chỉ giúp tối ưu hóa hạ tầng, giảm chi phí vận hành mà còn hướng tới xây dựng các đô thị thông minh, hiện đại hóa giao thông Việt Nam trong bối cảnh mục tiêu trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo trong khu vực.
II. THÁCH THỨC TRONG ỨNG DỤNG AI TẠI VIỆT NAM
- Thiếu nguồn nhân lực: Theo thống kê từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Việt Nam thiếu khoảng 100.000 chuyên gia về AI trong năm 2023.
- Cơ sở hạ tầng: Khảo sát từ Ngân hàng Thế giới chỉ ra rằng 40% doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa có khả năng đầu tư vào AI do thiếu nguồn lực tài chính.
- Bảo mật và quyền riêng tư: Theo báo cáo của Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam, 60% người dùng lo ngại về việc bảo mật thông tin cá nhân khi sử dụng các ứng dụng AI.
III. TRIỂN VỌNG CỦA AI Ở VIỆT NAM TRONG TƯƠNG LAI
Theo Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC), việc ứng dụng AI có thể đóng góp khoảng 79,3 tỷ USD vào GDP Việt Nam vào năm 2030, tương đương gần 12% GDP cả nước. Các chiến lược quốc gia như “Chương trình quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030”; xây dựng Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế về AI tại Đại học Bách Khoa Hà Nội đã tạo điều kiện để Việt Nam phát triển công nghệ lõi "made in Vietnam" và thúc đẩy chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực.
Đồng thời, các tổ chức quốc gia như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Australia đang tăng cường hợp tác với Việt Nam nhằm cải thiện năng lực nghiên cứu và ứng dụng AI. Các lĩnh vực tiềm năng bao gồm y tế, môi trường, giáo dục và công nghiệp. Tuy nhiên, để phát huy tối đa lợi ích, Việt Nam cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng chính sách quản lý phù hợp và tăng cường nhận thức cộng đồng về AI.
AI đang dần trở thành một phần không thể thiếu trong sự phát triển kinh tế và xã hội của Việt Nam. Mặc dù còn nhiều thách thức, nhưng với những nỗ lực từ cả chính phủ và doanh nghiệp, Việt Nam hoàn toàn có khả năng tận dụng AI để thúc đẩy sự phát triển bền vững trong tương lai.